NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
( Trong CUỘC ĐỜI ĐỔI THAY )

Cựu chiến hữu Nguyễn Minh Châu

"Kiếp sống: Một chuỗi dài sầu tủi"
"Vui là bao, chỉ luống những ưu phiền"

Nỗi Buồn Mất Mẹ. 
Ông bà chúng ta thường nói: 

MÙNG NĂM, MƯỜI BỐN, HĂM BA
ĐI BUÔN THÌ LỖ RA ĐƯỜNG THÌ XUI

Có nghĩa là những ngày nầy thường mang đến cho ta những điều xấu, mà thật vậy, đối với tôi ngày nầy đã xãy ra cho tôi hai BIẾN CỐ KHÔNG MAY. Một BIẾN CỐ ĐẦU ĐỜI là ngày MẸ tôi mất lúc tôi mới lên năm, một BIẾN CỐ CUỐI ĐỜI cũng là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch năm 2000, tôi bị lâm bịnh nặng (stroke). 

Ban Do Vinh Long Tôi sanh ra trong một gia đình trung lưu vào giữa thập niên 30, tại Vĩnh Long, một tỉnh của vùng đồng bằng sông Củu-Long , xứ nước ngọt và người dân hiền hòa. Cha tôi là công chức cho Pháp và mẹ có cơ sở thương mại, cuộc sống lúc ấy tương đối sung túc. Tôi vừa lên năm, nhưng tôi có trí nhớ rất tốt, tôi nghĩ có lẽ vì đã trải qua những biến cố đau đớn làm tôi không thể quên. Tôi còn nhớ cha tôi có mua một xe hơi màu đỏ sậm, sau nầy được biết là xe Peugeot 203, thời đó nhà có xe hơi rất hiếm. Mỗi lần về quê Nội ở Cao Lãnh hay quê Ngoại ở Trà Vinh, tất cả gia đình ngồi chen chúc chật ních. Khi xe của chúng tôi về gần đến làng, bà con, lối xóm ùa ra đường lộ đất vui mừng đón tiếp chúng tôi và không ngớt lời khen xe hơi sao đẹp quá!. Ông bà cô bác rất thương và quí mến chúng tôi. 

Nhưng cuộc sống hạnh phúc của tôi chẳng được bao lâu. Mẹ tôi mất sớm khi sanh đứa em thứ mười bị băng huyết, để lại 9 người con, lớn nhứt là 2 chị song thai mới lên 15 tuổi. Tôi thật sự chỉ hiểu biết hưởng thụ cuộc sống sung sướng nầy lúc mới bắt đầu bốn tuổi. 

Me Mat Vào thời đó ngành Y-khoa còn rất kém. Tôi còn nhớ vào khoảng 5 giờ chiều, ba anh em chúng tôi đang nô đùa trước sân ở từng dưới nhà, hai chị cả hơ hãi chạy xuống bảo Ba chúng tôi đi tiểu gấp rút vào một cái tô cho Mẹ tôi uống, vì Mẹ đang sanh và bi bịnh nặng. Sau nầy mới biết là Mẹ chúng tôi bị bể tử cung mà bác sĩ đỡ đẻ cho Mẹ tôi không thể cầm máu được, nên bà con lối xóm cho uống nước tiểu để hi vọng cứu chữa được. Sau đó khoảng nữa giờ, Mẹ chúng tôi bị kiệt sức và tắt thở, em út tôi vừa mới chào đời, vì ngộp thở nên cũng theo Mẹ tôi sau đó chẳng bao lâu. Mấy chị tôi chạy xuống khóc thảm thiết nói là má đã chết rồi, mấy em lên gặp má. Cảm giác của tôi lúc ấy không biết xúc động mạnh vì chưa hiểu Mẹ chết là thế nào?, nhưng thấy mấy anh chị khóc thảm thiết là òa khóc theo. Ngày sau đó khi Mẹ tôi được liệm vào quan tài, tôi mới biết Mẹ chết là không bao giờ gặp lại Mẹ, còn hai thằng em út còn nhỏ dại quá chưa biết gì, nên ai hỏi Má đâu thì trả lời là Má ngủ. 

Một năm sau, Cha chúng tôi có bà kế mẫu, bà chẳng làm gì chỉ ăn xài tiêu phá, nên sự nghiệp, tài sản, tiền tài đều tiêu tan sau cái chết của Mẹ chúng tôi. Cuộc sống thật là thê thảm như chúng tôi bị rơi từ trên cao xuống vực thẩm. Gánh gia đình quá nặng, đồng lương công chức không đủ nuôi sống lúc nầy, nên Cha tôi bàn ý định với mấy anh chị rằng chúng tôi phải chia ra làm hai gánh, một nửa theo Cha và bà mẹ ghẻ về Bạc Liêu để lập cơ sở làm ăn mới, còn một nửa gồm chị cả và ba đứa em út chúng tôi về sống nhờ với ông bà Ngoại và Cậu Mơ tại Trà Vinh. Tin buồn nầy làm mấy anh chị tôi khóc lên thảm thiết như ngày nào Mẹ tôi vừa mới mất. 


Hồn Mẹ Hiện Về và Chuyện Nhập Hồn.
Hinh Me 1938 Một tháng sau khi Mẹ tôi mất, đứa em út tôi mới hai tuổi thường đêm hay la khóc: không muốn ngủ với Má, không muốn ngủ với Má, làm cả nhà ai cũng giật mình thức dậy và nghĩ chắc Mẹ chúng tôi hiện hồn về. Bây giờ tôi cũng còn nhớ là có một hai lần, vào giữa đêm khuya thật yên tỉnh, trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy một bóng đen nhỏ nhắn giống dáng người của Mẹ tôi đứng nơi chân giường, lúc ấy tôi rất mừng và sợ. Mừng vì nhớ Mẹ và muốn gặp lại Mẹ, nhưng lại sợ ma nên bèn nhắm đôi mắt lại rồi ngủ quên đi. Lúc ấy, mấy anh chị nói chắc Mẹ hiện hồn về thăm, vì chúng tôi còn quá nhỏ nên hiện về thăm con trong đêm khuya canh vắng. Từ đấy về sau, mỗi đêm tôi cứ sợ thấy lại cái bóng đen đó.

Một ngày nọ sau buổi cơm chiều, ba anh em út chúng tôi đang chơi đùa ở tầng lầu dưới, chị cả tôi vội vã chạy xuống lầu gọi: Má về thăm, các em lên đây gặp Má. Chúng tôi chạy lên lầu thì chẳng thấy Mẹ đâu mà thấy bà dì ghẻ mặt xanh xao, đôi mắt thiêm thiếp, đang nằm trên giường trước bàn thờ của Mẹ chúng tôi. Với giọng u ớ tương tợ như tiếng Mẹ tôi, bà nói rằng: Châu, Đang và Hoàng đó hả?, hãy lại gần Má, Má nhớ tụi con quá. Hôm nay, Má về thăm tất cả tụi con. Ba đứa tôi mừng rỡ nhưng sợ quá không dám tới gần, chuyện đối đáp giữa Mẹ tôi và các anh chị kéo dài khoảng một thời gian ngắn, và tôi còn nhớ mang máng là Mẹ tôi dặn dò các anh chị hãy thương và đùm bọc các em nhỏ. Sau đó bà dì ghẻ tỉnh lại với sắc mặt bơ phờ và rất mệt mỏi, Cha tôi hỏi từ nãy giờ có hiểu thấy gì không? bà ấy trả lời là tự nhiên cảm thấy người choáng váng rồi bất tỉnh không biết gì nữa. Sau khi lớn khôn, tôi có nghe về chuyện NHÂP HỒN hay Đồng Bống, nhưng bà dì ghẻ đâu có biết gì nghề nầy và chưa bao giờ bị trường hợp lạ lùng như vậy, sự việc ấy chỉ xảy ra có một lần thôi. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ ràng chuyện đã xảy ra ngày xưa ấy, nhưng tin hay không tùy lòng tín ngưỡng của mỗi người, chính tôi bây giờ cũng còn hoang mang. Một số người tin ĐỒNG BỐNG cho rằng đó là sự NHẬP HỒN từ người chết qua người sống của những người bị chết oan. 


Về Quê Ngoại.
Hinh Cha 1938 Khoảng hơn một năm sau khi Mẹ tôi mất, Cha chúng tôi chở hết gia đình về nhà cậu mợ. Mợ tôi là chủ tiệm vàngNha Mo toi - Tra Vinh trước tòa hành chánh tỉnh Trà Vinh, cậu tôi làm xã trưởng của một xã trong tỉnh lỵ. Chị cả đưa ba anh em út chúng tôi lên lầu và bảo chúng tôi phải ngủ trưa vì đi xe đường xa mệt mỏi. Tôi có linh tính là có chuyện gì gia đình muốn lừa gạt ba anh em chúng tôi. Nhưng vì mệt, tôi ngủ quên đi lúc nào không hay biết. Đến lúc tỉnh dậy, chúng tôi thấy chị cả đang ngồi trên bộ ván gỏ, cạnh chúng tôi, khóc sụt sùi. Biết ngay là bị gạt, tôi liền hỏi: "Chị Hai, Ba và mấy anh chị kia đâu rồi?". Cầm lòng không đặng, chị tôi càng khóc nức nỡ và trả lời: "Ba và mấy anh chị về Bạc Liêu rồi". Lòng buồn rũ rượi, tôi và hai thằng em khóc òa lên. 

Những ngày tháng đầu tiên trong đời còn quá thơ ấu với nỗi buồn vừa mới mất Mẹ, chồng chất với nỗi buồn xa Cha, nhớ anh thương chị làm tôi cảm thấy thật là cô đơn, nên ba anh em chúng tôi, thằng em kế 5 tuổi và thằng út mới lên 3, rất thương nhau và rụt rè nhút nhát, luôn luôn quay quần bên người chị cả như một đàn gà con lúc nào cũng theo bên chân gà mẹ. Nỗi buồn mới mất Mẹ làm cho nước mắt chị tôi cứ tuôn trào gần như suốt ngày, và có khi ba thằng em nhỏ cũng khóc theo, đến ông bà và cậu mợ cũng phát quạu. Một hôm người Mợ chúng tôi có rầy la: chúng mầy khóc hoài, Mẹ bây đã chết bây giờ bây muốn trù ẽo cho Cha bây chết luôn hả?. Chị tôi ruột đau như cắt, khóc và than thỏ thẻ: "Mẹ ơi! Mẹ ra đi bỏ chúng con ở lại khổ quá!".

Bấy giờ, chúng tôi là những kẻ ăn nhờ ở đậu, vì nghèo, những anh em con của cậu mợ và dì dượng ít khi gần gũi theo chơi đùa với chúng tôi như trước kia, mỗi lần chúng tôi được cha mẹ chở xe hơi về thăm quê Ngoại hoặc quê Nội. Chúng tôi gần như bị cô lập, chị tôi càng đau lòng thương xót và an ủi chúng tôi: "Các em cứ chơi với chúng nó đi, chị Hai sẽ bênh vực mấy em nếu có ai hiếp đáp". 


Về Quê Nội. 
Cao Lanh - Nha Noi toi Hòa-An, Cao-Lãnh, Làng Tôi rất êm đềm bên dòng sông nhỏ. 
Sống bên Ngoại được hai năm, chị cả lên Sài Gòn học ngành Y tá, ba anh em chúng tôi lại được Cha tôi gởi về sống với ông bà Nội ở làng Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa đéc. 

Lúc nầy, tôi chỉ hơn tám tuổi nhưng tôi cũng biết nhận thức được cảnh đẹp êm đềm của làng quê. Nhà Nội tôi là một căn nhà ngói xưa ba gian hai chái, trước mặt là con sông nhỏ với cây cầu ván gập-ghềnh bắt ngang. Mỗi lần có việc cần, Nội tôi sai bảo qua bên kia làng với chị Hồ, người giúp việc cho ông bà Nội tôi, chân tôi bước đi run rẩy sợ té xuống sông vì không biết lội. Hai bên bờ sông là hai con lộ đất với những hàng dừa lá xanh mướt, trông rất thơ mộng dưới những đêm trăng, xen lẫn với những cây mận đào trái sum sê đỏ óng ánh trong ánh nắng êm dịu của miền Tây. Những chùm mận làm nặng chĩu những cành cây xà xuống gần tận mặt nước , ngồi trên thuyền con, người ta cũng có thể hái ăn được. Quê tôi nổi tiếng có nhiều thiếu nữ đẹp, hiền, và người dân nơi đây rất thật thà chất phác.

Trước sân nhà Nội là hàng rào bông Bụp đỏ lá xanh mượt mà.Trong sân trước có hàng chậu kiển với vài cây lựu, mỗi sáng vài con chim sâu nhỏ nhắn nhảy nhót tung tăng trên cành lựu trông thật nên thơ. Bên hè nhà là một ao nước nhỏ có đường thông thương ra sông nên nhìn thấy cá lội Sau Nha Noi quanh năm. Sau nhà là vườn xoài mát mẻ với một hàng cây bưởi là nguồn lợi chính của Nội tôi, và cũng là nơi ba anh em chúng tôi chơi bóng đá bằng những trái bưởi non rụng sớm, được quấn bằng những cọng lá chuối khô để đá cho êm chân. 

Nói đến đây tôi nhớ mãi chiếc xe đạp ba bánh cũ kỷ treo ngoài mái hiên sau nhà Nội, ở dưới là hai cái hòm đỏ lói trong rất ghê sợ. Chiếc xe đạp nầy được Cha Mẹ mua cho chúng tôi lúc Mẹ còn sống, nó đã bị đứt dây chaine, nên không còn đạp được nữa. Tôi đã rất khổ sở vì rất thèm-thuồng muốn cưỡi đạp mỗi khi nhìn thấy nó, tôi cứ nằm mơ thấy đạp chiếc xe nầy mãi, thỉnh thoảng muốn cưỡi đạp quá, chúng tôi nhờ chị Hồ lấy xuống để anh em thay phiên nhau đứa ngồi đứa đẩy cho đở ghiền. 

Đến mùa mức thủy triều lên cao đến thềm nhà, chúng tôi tha hồ xem cá lội tung tăng rất thích thú. Tôi còn nhớ mãi cảnh trời mưa ở vườn quê, nhứt là về đêm tiếng mưa rơi xạc xào trên lá và những giọt mưa từ mái nhà rơi lách tách bên thềm gạch đỏ, hòa với những tiếng kêu của ếch nhái và ểnh ương, tạo thành một thứ âm thanh hỗn hợp nghe não nề, buồn thật buồn!. Vì còn quá nhỏ, sợ ma, nên ba anh em chúng tôi đêm đêm hay khóc sụt sùi nho nhỏ trên bộ ván gỏ vì sợ Bà thức giấc rầy la, lúc nầy tôi cảm thấy thật cô đơn, bơ vơ chới với. Thật đau đớn thay, vì :


Mẹ ra đi thuở con còn năm tuổi
Tuổi dại khờ mà phải chịu bơ vơ
Thiếu mẹ để cho con luồng hơi ấm
Thiếu mẹ dỗ dành con lúc tủi hờn.
Thiếu mẹ đắp chăn khi đêm về sáng
Canh trường thức giấc tiếng muổi vo ve
Thèm tiếng mẹ ru đêm khuya gió trở....
TN


Tôi vào trường học chữ quá trễ, vì cuộc sống cứ rày đây mai đó nên chị tôi dạy học sách vần tại nhà. Năm đó tôi đã hơn tám tuổi mà mới bắt đầu vào trường học lớp Năm Tiểu Học (bây giờ là lớp Một). Ngày đầu vào trường học thật hồi hợp, lo sợ, e dè nhút nhát vì chưa thấy mặt ông thầy giáo bao giờ và nghe nói học trò lười biếng hay bị thầy đánh đòn bằng cây thước bảng đau lắm! Nhìn chung quanh là những đứa trẻ lạ mặt không quen, mà ai cũng có mẹ hoặc có anh chị đưa đến trường. 

Người đưa tôi đến trường học đầu đời không phải là mẹ hay anh chị như bao nhiêu đứa trẻ khác, nên tôi càng cảm thấy cô đơn lạc lỏng chẳng khác nào một đứa trẻ bị bỏ lạc lỏng giữa chợ đời. Tôi không bao giờ có được cái hình ảnh: " Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh, Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi, dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp...". Nhưng người đưa tôi đến trường lại là chị Hồ, người giúp việc cho Nội tôi. Thật buồn thay: 


Tuổi ấu thơ ngày đầu trong lớp học
Thiếu mẹ nhìn an ủi dỗ dành con
Tủi thân phận lệ trào rưng khóe mắt
Khép nép mình một góc chẳng người thân...
T.N

Chèo Xuồng Con Ði Khám Bịnh.
Xuong Ba La Có một lần ba anh em tơi đều bị bịnh ban cua, vào thời buổi đó đi khám bác sĩ là chuyện hiếm có. Chúng tôi đã bỏ ăn uống nhiều ngày nên kiệt sức vì thiếu sự chăm sóc. Bà nội tôi sai bảo chị Hồ dẫn ba anh em tôi đi gặp thầy thuốc Nam để chữa bịnh. Từ nhà ra quận đường đi cách xa, chúng tôi không thể lội bộ nổi, nên bà sai bảo chị Hồ chở chúng tôi đi bằng xuồng ba lá, loại xuồng nhỏ rất thông dụng ở miền Hậu Giang, vì mỗi năm tới mùa thủy triều lên cao các con đường làng đều bị ngập lụt. Ở dưới quê chỉ có xuồng là phương tiện duy nhứt để di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác. Từ nhà ra quận Cao Lãnh, chị Hồ phải chèo xuồng từ nhà nội theo con sông nhỏ gọi là rạch Cái Sâu, rồi băng qua con sông lớn mới tới nhà thầy thuốc ngoài quận. Ngồi trên thuyền con bị sóng to, chiếc thuyền lắc lư thật mạnh theo dòng nước bập bềnh làm ba anh em tôi càng xây xẩm mặt mài và nôn mửa. Lúc ấy tôi rất hồi hộp vì sợ chìm xuồng là chỉ bị chết đuối, chẳng ai cứu vớt kịp, tôi đã nghĩ rằng chắc lần nầy phải vĩnh biệt Cha tôi và mấy anh chị em trong cái chết lạnh lẽo cô đơn giữa lòng sông nầy. Đấy là lần đầu tiên tôi được đi xuồng, không phải vui thú như tôi đã nghĩ, và đã từng ao ướt muốn đi du ngoạn bằng xuồng của Nội, thường đậu nơi bờ rạch trước nhà. 

Từ Quê Nội Lên Sài Gòn Rồi Trở Về Quê Ngoại.
Năm 1944 là năm gần kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, phi cơ của lực lượng Đồng Minh bay đến Saigon ném bom ngày đêm vào các vị trí đóng quân và căn cứ tiếp liệu của quân Nhựt Bản. Lúc nầy tôi đang học tại trường Tiểu học công lập Thị Nghè, thỉnh thoảng có tiếng còi hụ vang lên là các thầy cô dẫn học trò xuống hầm để tránh bom, lúc đó gọi là tranchées. 

Lang Cay Dau Lon Việc mua bán trì trệ, trường học thì bữa đóng bữa mở, cuộc sống quá nguy hiểm lại làm ăn khó khăn, nên Cha tôi đưa ba đứa anh em út chúng tôi về miếng đất gần nơi ngôi mộ của Mẹ ở làng Cây Dầu Lớn, ngoại ô tỉnh Trà Vinh, cất một ngôi nhà lá nho nhỏ để ở. Lòng tôi cảm thấy hơi ấm cúng như được gần Mẹ mặc dù Mẹ đã nằm sâu dưới đáy mồ. 

Chua Mien Tỉnh Trà Vinh lúc xưa là vùng đất của người Miên, nên có rất nhiều người Miên sinh sống nơi đây và đa số sống bằng nghề nông. Làng tôi ở cách làng của người Miên một cây số, người Việt mình thường gọi là Sóc Miên. Chúng tôi thường vào chùa xem họ tổ chức những lễ cổ truyền của dân tộc, xem múa hát vào những ngày lễ và ngày Tết của họ, tiếng Miên gọi là ngày lễ ÓT vv...

Sống với bà mẹ ghẻ chúng tôi thiếu tình thương lẫn vật chất, và Cha lại bị bịnh lao phổi nặng. Mỗi khi buồn tủi vì quá vất vả, tôi hay đến mộ cầu nguyện xin Mẹ cứu cho chúng tơi bớt khổ. Thật đúng như lời ca dao truyền khẩu: 


Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng.
------
Con không cha ăn cơm với cá
Con không mẹ lót lá mà nằm.


Một Nắm Xôi Buổi Sáng.
Anh em chúng tơi ăn uống rất cực khổ, bữa đói bữa no, nhưng phải làm việc nhà nặng nhọc, sánh với những đứa trẻ cùng lứa tuổi của tôi. 

Mỗi buổi sáng, bà mẹ ghẻ phát cho ba anh em chúng tôi mỗi đứa một gói xôi hoặc một củ khoai lang. Một hôm tôi mang gói xôi cho thằng em út đi học trước, đi học đường xa, đang sức lớn và lao động nhiều thì một gói xôi nhỏ đâu đủ no. Xôi nước dừa gói trong miếng lá chuối thơm ngon làm tôi phát thèm, trong cơn đói chịu không nỗi, tôi cứ từ từ rút từng miếng nhỏ bỏ vào miệng, lần hồi khi gần đến trường tôi chợt nhớ đến em mình đang chờ gói xôi ăn sáng thì gói xôi đã teo lai còn một chút xíu, muốn lọt ra ngoài miếng lá chuối. Nhớ thầy cô có dạy rằng: "ANH EM NHƯ THỂ TAY CHÂN : ta phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau khi đau ốm hay đói khổ ", lòng tôi cảm thấy xót xa, ruột đau như cắt, nhưng biết làm sao cho gói xôi đầy lại? ?? Tôi thật là nhục nhã và hối hận vì không dằn được cơn đói.


Màn Trời Chiếu Ðất.
Lúc nầy cuộc sống rất kham khỗ, chúng tôi ăn không no áo cũng không ấm. Tôi nghĩ nếu còn mẹ, dù cho có nghèo đói trong cảnh cơ bần mẹ mình đâu nở lòng nào để con mình sống vất vả như thế nầy. Giường ngủ của chúng tôi là một cái sạp gỗ, trước khi leo lên ngủ ba anh em chúng tôi đập hai bàn chân vào nhau phủi sạch bụi đất, chẳng mùng màn và chăn gối, chỉ kéo một manh chiếu phủ lên ba thằng tôi, vì mệt mỏi rồi ngủ say chìm trong giấc mộng cho tới sáng tha hồ cho muỗi mòng đốt cũng chẳng hay.

Đêm Giáng Sinh Thật Buồn.
Nha Tho Duc Ba Tôi không bao giờ quên đêm Giáng sinh năm 1946. Theo tục lệ của Pháp, chiều ngày đó người Thiên Chúa giáo không được ăn nhiều, và dọn mình cho trong sạch đặng rước MÌNH THÁNH CHÚA. Đa số nhà Thiên Chúa giáo đều nhộn nhịp trang trí nhà cửa, làm máng cỏ, treo đèn lồng ngôi sao trước nhà và chuẩn bị bữa tiệc để tổ chức ăn mừng ngày Chúa ra đời sau khi đi lễ đêm lúc 12 giờ khuya, gọi là ăn RE'VEILLON. Khi ba anh em chúng tôi đi lễ về, cũng ao ước có một bữa ăn RE'VEILLON như mọi gia đình. Nhưng bà dì ghẻ không có cho bữa tiệc đó, đi lễ về khuya cảm thấy đói, ba anh em tôi xuống nhà bếp ăn một bữa RE'VEILLON với cơm nguội và một ít đồ ăn dư của bữa cơm trưa, nhưng cũng đỡ đói lòng. Chúng tôi ngồi ăn dưới ánh đèn dầu leo lét, giữa đêm khuya hiu hắt nơi mái hiên nhà sau, lòng buồn tê tái muốn ứa nước mắt, vì trong đêm Giáng sinh nhớ anh chị em, vì cuộc sống nên kẻ đi làm người đi học nơi xa đã phải chia ly mỗi người một ngả.

Ăn Tết Nghèo.
Tet Mỗi năm trước ngày Tết, bà dì ghẻ sắm cho ba anh em tôi mỗi đứa một áo chemise sọc ngắn tay, một quần cụt đen và một đôi guốc để mang đi rong chơi trong ba ngày Xuân. Chúng tôi được nghỉ làm việc nhà, đi thăm bà con trong ba ngày Tết và rất mong có được thêm một ít tiền lì-xì, thấy cũng vui vui trong những ngày đầu năm. Tôi cũng không quên đến ngôi mộ mừng tuổi Mẹ ngày đầu năm và cầu nguyện Mẹ phù hộ cho cuộc sống được tốt đẹp hơn. Niềm sung sướng nhứt của chúng tôi là được chút ít tiền lì-xì dùng đủ ăn hủ tiếu và hàng bánh trong ba ngày Tết, vì suốt tháng năm chẳng bao giờ được ăn những tô hủ tiếu thật ngon lành nầy. 

Lúc còn ở trung học, tôi đã học về đại Văn hào Victor Hugo và đọc cuốn sách ” LES MISERABLES “ nói về cuộc đời khốn khổ của một nhân vật do ông tạo dựng ra, tên là Jean Valjean. Trong bài viết nầy, tôi không ngại ngùng nói ra sự thật mà tôi nghĩ ít ai dám nói ra cái tôi của mình không mấy tốt đẹp, nhưng đây tôi thật sự là một trong những Les Miserables thật, vì tôi đã sống trong kiếp nghèo của xã hội nơi quê hương Việt Nam nghèo đói, như biết bao những đứa trẻ bất hạnh khác. 

Trong chế độ cộng sản hiện nay, bọn cầm quyền cấu kết bao che cho nhau lo vơ vét của công, bóc lột, hối lộ, chúng nó và gia đình con cái ăn chơi trụy lạc, trong khi đó người dân phải sống khổ sở lầm than, có vô số trẻ con phải sống vất vả, không được học hành phải đi ở đợ, làm mướn với đồng lương chết đói, đánh giày hoặc đi ăn xin nơi đầu đường xó chợ, chúng ăn không no áo không ấm. 

Tại một xứ lạc hậu như quê hương Việt Nam chúng ta, sự giàu và nghèo có quá nhiều cách biệt, nên người nghèo hay bị coi rẻ, bị khinh khi. Nhưng tôi lấy câu răn dạy của ông bà, cha mẹ cũng như thầy cô đã dạy ở trường rằng : NGHÈO CHO SẠCH, RÁCH CHO THƠM, tôi tự thấy an ủi, tôi không thấy gì là nhục nhã hay xấu xa.

Cuộc sống tuổi trẻ hết sức là lầm than, nhưng theo tháng năm dài của thời gian chúng tôi cũng khôn lớn. Lúc nầy tôi sắp được mười bốn tuổi, tôi nghĩ lúc nầy tôi cũng bắt đầu hiểu biết nhiều hơn, và cái hoàn cảnh gian nan, vất vả giúp tôi học được cái khôn cái khó làm hành trang trên đường đời. 

Tôi hi vọng bài viết nầy giúp con cháu tôi thấy được cái khốn khổ nơi quê hương Việt Nam nghèo nàn, để biết được giá trị của cuộc sống mà cha ông đã trải qua trong thời thơ ấu, và đã phải nhẫn nại, hy sinh phấn đấu để đến bây giờ chúng mới có được cuộc sống như ngày nay./.

Nguyễn Minh Châu